Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 2/12/2021 phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

I, Số hóa di sản văn hóa là gì ? 

Số hóa là quá trình chuyển các thông tin thực tại (âm thanh, hình ảnh, đồ vật…) sang tín hiệu nhị phân và được thực hiện bởi các thiết bị điện tử (máy ảnh số, camera, ghi âm, scanner…), những định dạng số có thể dễ dàng lưu trữ, xem lại… thông qua máy tính. Theo đó, trong số hóa di sản văn hóa thì đối tượng ở đây là các di sản văn hóa.

 

Tuy nhiên việc số hóa các di sản văn hóa không chỉ đơn giản là việc giới thiệu lại các di sản văn hóa mà quan trọng là việc chuyển hóa các thông tin để chúng ta có thể nhận biết và khai thác các thông tin để chúng ta có thể nhận biết và khai thác các thông tin về di sản văn hóa qua các hình thức và phương tiện như sau: cơ sở dữ liệu số, các sản phẩm 3D về di sản, các trang web, thư điện tử, ảnh số, phim, DVD, CD-Rom, MP3…

II, Những lợi ích khi thực hiện số hóa di sản văn hóa ?

2.1. Lợi ích trong lưu trữ và bảo quản di sản văn hóa

Việc số hóa di sản văn hoá giúp lưu trữ và bảo quản giúp bảo vệ các di sản văn hóa. Theo đó, số hóa di sản văn hóa phải đảm bảo nguyên gốc các di sản văn hóa trong hoàn cảnh tốt nhất.

 

Trên phương diện lưu trữ, dịch vụ số hóa tài liệu có tính ưu việt vì nó đã giúp giảm tối đa các phương tiện lưu trữ, giải pháp lưu trữ vốn đã rất cồng kềnh, phiền toái và kém hiệu quả mà các phương tiện truyền thống đòi hỏi cần có. 

Bên cạnh đó, số hóa di sản văn hóa có thể lưu giữ phần lớn thông tin về mọi loại hình di sản văn hóa (âm thanh, hình ảnh, phim..) theo một định dạng chung. 

2.2. Đưa những di sản văn hóa đến nhiều người biết hơn

Hiện nay, các bảo tàng , các nhà sưu tập đã bắt đầu quan tâm đến việc số hóa những bộ sưu tập của mình. Các phương tiện internet đã cung cấp cho mọi nhà sưu tập, các nhà nghiên cứu cơ hội tìm hiểu về các hiện vật và di sản với chi phí thấp nhất. Hơn nữa, các bảo tàng có thể mở rộng ra không chỉ trong nước mà cả thế giới. 

III. Mục tiêu của chương trình số hóa di sản văn hóa.

3.1. Mục tiêu chung 

Chương trình đặt mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi.

 

3.2. Mục tiêu giai đoạn 2021-2030

Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2030 như sau: 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; 100% các di tích quốc gia đặc biệt được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội các di tích quốc gia và các hiện vật, nhóm hiện vật tại các bảo tàng, ban quản lý di tích; 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số.

Để đạt được các mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình là hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật. Cụ thể, xây dựng, hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về di sản văn hóa số và ứng dụng công nghệ trong việc số hóa thông tin, chuẩn hóa hệ dữ liệu di sản văn hóa trong kho dữ liệu số quốc gia; kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các lĩnh vực bảo tàng, thư viện; xác lập quyền truy cập, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu cho các tổ chức, cá nhân phục vụ phát triển du lịch và các nhu cầu khác ở trong nước và quốc tế.

Đồng thời, xây dựng nền tảng kỹ thuật số và các bộ tiêu chuẩn chung về lưu trữ; xây dựng, tạo lập dữ liệu số về di sản văn hóa; quản lý, vận hành và khai thác kho cơ sở dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa; tích hợp cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa theo tiêu chuẩn tuân thủ khung kiến trúc Chính phủ điện tử do cơ quan quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông ban hành, nhằm mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở, phục vụ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân khai thác, tham gia phát triển, sáng tạo các dịch vụ mới; thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu theo quy định của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới chương trình, hình thức và đẩy mạnh bồi dưỡng, đào tạo lại; tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ quản lý và người làm công tác di sản văn hóa.

 

Chia sẻ